Lười biếng? Đọc ngay bài viết này

Đang ngủ ngon, báo thức đến giờ phải dậy, bạn tắt bụp báo thức và tự nói với bản thân: “Ngủ Thêm Một Tí Nữa Thôi”. Thực tế là khi tỉnh dậy thì bạn giật mình vì thấy “một tí” của mình nhiều như thế nào.

Đang lướt facebook, chuẩn bị phải làm một việc quan trọng, bạn tự nhủ rằng: “À, mình thề, mình hứa, mình đảm bảo là lướt thêm một tí nữa thôiiii… rồi sẽ làm, sẽ làm, sẽ làm…”. Ok một tí thôi! Thực tế là rất nhiều tiếng sau bạn vẫn lướt facebook, nếu không thì tiktok, hoặc một loại hình tiêu tốn thời gian nào đó khác.

Quyết tâm hôm nay đi ngủ sớm để mai dậy sớm, sống một cuộc đời Vĩ Đại. Loanh quanh chat chit, facebook “một tí thôi” mà 12h đêm luôn rồi. Và hôm sau sự “vĩ đại” vẫn chỉ là một giấc mộng.

Bạn thấy mình lười biếng, đặt ra mục tiêu nhưng khi bắt tay vào làm thì lại chán nản hoặc không có động lực, chẳng muốn làm.

“Không phải bạn lười mà là mục tiêu của bạn quá yếu ớt.”

Đây là câu nói của diễn giả bậc thầy Tony Robbins và tôi cực kỳ tán thành với quan điểm đó.

Bạn hãy tự hỏi bản thân trong quá khứ đã từng nỗ lực hết mình để đạt được một mục tiêu nào đó chưa?

Khi tôi hỏi câu này với những học viên của mình thì đều nhận được trả lời rằng là có. Ví dụ như thi đại học, ứng tuyển vào một vị trí hoặc tham gia vào một thử thách nào đó. Tức là chúng ta đã từng có những trải nghiệm rất chăm chỉ, rất quyết tâm chứ không hề lười. Điểm chung của tất cả những tình huống đó là Một Mục Tiêu Với Lý Do Hành Động Cực Lớn.

Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn dậy sớm trước 5h sáng trong vòng 30 ngày liên tục và được thưởng 1 triệu đô, liệu bạn có dễ dàng duy trì dậy không? 

Hầu hết những người tôi hỏi, họ đều trả lời rằng: Dễ Dàng!. Tôi đoán là bạn cũng trả lời tương tự như thế. Thậm chí dậy trong 60 ngày hay 90 ngày cũng được nhỉ. Bạn thấy đấy, nếu một mục tiêu mà có lý do đủ lớn, chúng ta sẽ hành động ngay, không lười biếng đâu.

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy ì ạch và lười biếng, hãy suy nghĩ nghiêm túc về việc thiết lập những mục tiêu của mình trong thời gian tới. Chính những mục tiêu có lý do mạnh mẽ sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua sự lười biếng.

Tâm lý con người rất thích sự dễ dàng. Khi nói một tí nữa, ta rất dễ chấp nhận. Nhưng thực tế là mình sẽ tốn thêm nhiều thì giờ nữa sau cái một tí đó. Thế nên thói quen lười biếng rất dễ được thiết lập, vì ta hay gắn cái góc nhìn “một tí” này với cảm xúc Dễ Chịu.

Cách để gọt giũa sự lười biếng cũng dựa trên nền tảng tâm lý yêu thích sự dễ dàng đó. Chúng ta sẽ lấy mỡ nó rán nó. Đang làm việc, cảm thấy lười lười. muốn đi nghỉ, hãy nói với bản thân rằng: “Cố thêm một tí nữa thôi”. Thực tế là sau cái một tí đó, bạn làm thêm được vô số việc.

Định đi chạy bộ tập thể dục nhưng lại thấy lười, hãy nói với mình rằng: “Mình chỉ cần xỏ cái giày thôi”. Thực tế là sau khi đi giày xong, bạn có động lực lớn để dễ dàng đi ra ngoài chạy bộ.

Làm bất kỳ cái gì thấy trì hoãn thì tự nhủ rằng: “Mình chỉ cần bắt đầu làm một tí thôi”. Khi đã bắt đầu rồi mọi thứ rất dễ dàng.

Còn một bí quyết nữa có thể giúp bạn vượt qua sự lười biếng và hành động mạnh mẽ hơn. Đó là công cụ cài đặt lại tâm trí bằng ngôn từ. Những lúc tôi cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi, chẳng muốn làm gì thì trong đầu tôi luôn xuất hiện những tiếng nói nhỏ rằng:”thôi đừng làm, thôi mệt lắm, thôi ngại lắm, cái này khó lắm, chán lắm…”.

Và nếu tôi để những tiếng nói nhỏ đó mặc nhiên hoành hành thì kết quả là gì có thể bạn đã hiểu, tôi sợ hãi và không dám tiến lên hành động, tôi sẽ lười biếng, chẳng làm gì cả và ngay lập tức rơi vào trạng thái “nhàn cư vi bất thiện”.

Khi không có việc gì để làm, kiểu gì cũng sa đà vào mấy cái trò giải trí nhảm nhí. Chính lúc đó tôi sẽ phải dùng những câu nói tích cực và mạnh mẽ để trấn áp suy nghĩ của mình. Tôi giao tiếp với nội tâm của mình thay vì để những điều tiêu cực mặc nhiên xảy ra. Một lần, tôi đi làm về muộn và tôi còn một việc chưa hoàn thành là edit video để up lên youtube. Tôi ngồi ở cái ghế, ngả về sau và cảm giác buồn ngủ lắm rồi. Trong đầu tôi bắt đầu có những suy nghĩ: “Thôi mệt lắm, mai làm cũng được có sao đâu…”

May mà tôi đã tỉnh táo, nhìn thấu suy nghĩ tiêu cực của mình, tôi bắt đầu nói với mình rằng: “Hôm nay bằng mọi giá tao phải làm xong video này mới đi ngủ, hoặc là thành công, hoặc là chết”. Tôi kết hợp ngôn từ đó với di chuyển mạnh mẽ, vung tay vung chân. Càng nói, càng di chuyển tôi lại càng có năng lượng làm việc cực kỳ tuyệt vời và ngày hôm đó tôi đã hoàn thành xong video của mình.

Nào, bạn hãy để ý cách sử dụng ngôn từ hay khẩu khí của kiểu người thành công và kiểu người thất bại. Người thành công khẩu khí luôn mạnh mẽ, tích cực và quyết liệt. Người thất bại luôn uể oải, lo sợ, mệt mỏi, yếu đuối và đầy sự tiêu cực.

Thực ra người thành công họ cũng có lúc yếu đuối hoặc lười biếng nhưng họ biết cách giao tiếp với nội tâm của mình thường xuyên và nội tâm của họ ngày càng mạnh mẽ hơn. Khi nội tâm mạnh mẽ họ sẽ có cảm xúc và hành động mạnh mẽ. Và càng hành động, họ lại càng tự hào, tự tin để có những hành động tiếp theo.

Đây chính là một bí mật tôi muốn chia sẻ với bạn để giúp bạn kỷ luật bản thân hơn. Hãy áp dụng triệt để vào cuộc sống bạn nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *